Dị ứng thực phẩm gia tăng trên phạm vi toàn cầu
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, dị ứng thực phẩm ảnh hưởng đến 10% trẻ em ở các nước phát triển và là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở trẻ.
Hệ vi sinh mất cân bằng là một yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển hệ miễn dịch và do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh dị ứng. Sự mất cân bằng này có thể là hệ quả của các yếu tố môi trường điển hình của lối sống phương Tây và các thành phần thực phẩm khác nhau. Các biện pháp can thiệp dinh dưỡng và ngoài dinh dưỡng có thể được sử dụng để phòng ngừa các bệnh dị ứng.
Theo nghiên cứu thuần tập từ khi sinh EuroPrevall (về mức độ phổ biến, chi phí và cơ sở của dị ứng thực phẩm trên toàn châu Âu), 3,5% trẻ em sinh ra ở Vương quốc Anh trong giai đoạn 2005-2007 bị dị ứng thực phẩm [1]. Theo Giáo sư Alessandro Fiocchi (Rome, Ý), chủ trì cuộc họp nghiên cứu sữa mẹ năm 2019, tỷ lệ dị ứng thực phẩm ngày càng gia tăng. Trên thực tế qua quan sát trong Nghiên cứu EAT (Enquiring About Tolerance), tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn ở trẻ em Anh sinh từ năm 2009–2011 (7,1%), điều này cho thấy dị ứng thực phẩm đang gia tăng [2].
Sự gia tăng toàn cầu về dị ứng thực phẩm
Ở những nơi khác trên thế giới, tình hình cũng diễn ra tương tự. Ví dụ, ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, tỷ lệ dị ứng thực phẩm tương đương với châu Âu. Ở Úc, trên 10% trẻ em 1 tuổi được báo cáo có biểu hiện lâm sàng dị ứng thực phẩm [3]. Tuy nhiên, ở các nước kém phát triển hơn, tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng thấp hơn.
Dị ứng thực phẩm chủ yếu là do dị ứng trứng, ở Anh tỷ lệ này là 2,2% ở trẻ sinh năm 2005–2007 tăng lên 5,3% ở trẻ sinh năm 2009–2011 [1, 2]. Vì hiện tượng nhạy cảm với trứng đã xuất hiện từ lúc mới sinh, nên sự gia tăng này chỉ ra vai trò có thể của các yếu tố sớm hoặc trước khi sinh. Ngược lại, tình trạng dị ứng sữa bò dường như không gia tăng. Điều này được thể hiện qua thực tế là tỷ lệ dị ứng sữa bò ở trẻ em sinh năm 2005–2007 và 2009–2011 gần tương tự (0,8% so với 0,7%) [2,4].
Thông tin khoa học HiPP